Dự án gìn giữ và phát triển Văn hóa Huế
GIỚI THIỆU DỰ ÁN TỦ SÁCH HUẾ
Tỉnh Thừa Thiên Huế có truyền thống hình thành và phát triển trên 700 năm. Trong quá trình đó, khối lượng sách có nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… là rất lớn; tạo nên một kho tri thức đồ sộ về Thừa Thiên Huế, phục vụ cho hàng triệu công chúng qua nhiều thế hệ.
Trong những chặng đường phát triển của công cuộc đổi mới, Thừa Thiên Huế tiếp tục là một địa chỉ, một đề tài lớn, tạo được nguồn cảm hứng vô tận và bằng tình cảm, trải nghiệm tâm huyết của nhiều tác giả là những người yêu Huế, của các sử gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, tuổi trẻ… tiếp tục ý tưởng, sáng tạo nên những tác phẩm đáp ứng nhu cầu, tri thức của công chúng bạn đọc, độc giả ở trong và ngoài nước.
Qua đó đã tạo được một kho tàng tư liệu tri thức tiềm năng, giá trị tinh thần to lớn trong xã hội cần được quan tâm hỗ trợ hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, sách liên quan đến Thừa Thiên Huế có nhiều nguy cơ mai một, hạn chế như sau
- Nhiều cuốn còn lưu lại rất ít bản sách trong tủ sách cộng đồng và cá nhân.
- Nhiều cuốn sách có tình trạng cũ kỹ, mối mọt, hư hỏng khá nhiều
- Do in ấn qua nhiều thời gian khác nhau, nhiều cung cách xuất bản khác nhau, dẫn đến không đồng bộ, khó lưu trữ, và nếu lưu trữ có hệ thống thì không đạt tính mỹ thuật cao.
- Hiện có những bản thảo sách có giá trị, song tác giả, nhóm tác giả chưa có điều kiện để xuất bản.
- Vẫn còn nhiều chủ đề liên quan đến Huế cần tiếp tục nghiên cứu để xuất bản sách.
Nhu cầu hiểu biết về Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực là rất lớn, nhất là trong cộng đồng và hệ thống trường học, cơ quan công sở, trong một bộ phận không nhỏ khách du lịch, những người yêu Huế, thích Huế, muốn khám phá Huế ở trong và ngoài nước.
Hồ sơ, danh mục lưu trữ các đầu tên sách Huế trên các lĩnh vực tương đối khá nhiều, nhưng chưa được khai thác, có kế hoạch đánh giá thực trạng, xu hướng khai thác phục vụ nâng cao kiến thức, nâng cao dân trí để kịp thời hỗ trợ nhân bản, tái bản đáp ứng nhu cầu xã hội.
Xuất bản sách điện tử chưa được quan tâm đúng mức và để đáp ứng tốt xu hướng văn hóa đọc trong thời đại số, do cơ sở dữ liệu các bản sách quý hiếm, mới lạ, độc đáo chưa cập nhật, số hóa, lưu trữ điện tử khoa học.
Công tác quảng bá, thông tin, giới thiệu, tuyên truyền các đầu sách quý, mới chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa được tạo được những trào lưu, nền tảng hiểu biết sâu hơn, khoa học hơn, chi tiết và đầy đủ hơn trong và ngoài nước những tiềm năng, thế mạnh, các tầng văn hóa trầm tích, đặc trưng riêng có của văn hóa, con người xứ Huế; đồng thời, chưa tạo được động lực liên doanh, liên kết, xã hội hóa, tài trợ cho hoạt động xuất bản, in, phát hành rộng rãi các đầu sách quý về Huế. Trước thực trạng đó, đã và đang đặt ra vấn đề rất cần tổ chức đánh giá, thẩm định, xuất bản, thiết lập và phát triển Tủ sách Huế một cách có hệ thống để vừa xuất bản lại các cuốn sách chất lượng có nguy cơ mai một, tuyệt bản; vừa lưu trữ được một cách có hệ thống sách Huế, đảm bảo tính mỹ thuật; đồng thời, quan tâm phát triển các nguồn sách mới để giới thiệu, quảng bá đặc trưng văn hóa và con người xứ Huế nhằm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng bạn đọc trong thời kỳ mới – thời đại 4.0.