Nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất năm 2022 và Lễ ra mắt 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế.
Hội sách thu hút sự tham dự của 300 học sinh, sinh viên đến từ các trường cùng nhiều người dân địa phương. Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế, trong những năm qua, đọc sách và phát triển văn hóa đọc đang ngày càng được quan tâm hơn. Năm 2019, Luật Thư viện ra đời tạo hành lang pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, địa phương tập trung phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập làm nền móng vững chắc để phát triển đất nước. Luật cũng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất năm 2022 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế gồm: Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam và Ca Huế – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là hai ấn phẩm có giá trị nội dung về di sản văn hóa đặc sắc của Huế, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực hiện với hàm lượng thông tin nghiên cứu phong phú, chính xác với độ tin cậy cao.
Việc ra mắt 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế đúng vào dịp Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất năm 2022 tỉnh Thừa Thiên Huế là hoạt động hết sức có ý nghĩa, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người yêu sách, yêu văn hóa Huế.
Cùng với Ca Trù (hát Ả Đào) ở miền Bắc và Đờn ca tài tử ở Nam bộ, Ca Huế là một trong ba loại hình âm nhạc độc đáo trong di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam vừa mang tính chuyên nghiệp, bác học, lại vừa phổ biến rộng rãi trong đời sống bình dân. Các bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, giai điệu phong phú với nhiều luyến láy tinh tế, lời ca giàu chất văn chương. Ca Huế được xây dựng trên 3 điệu chính gồm điệu Bắc (Khách) với chất nhạc tươi vui, trong sáng, sang trọng bao gồm 10 bản Ngự và 3 bản lẻ là Cổ bản, Lộng điệp và Lưu thủy; điệu Nam với tính chất buồn thương, bi ai, vương vấn, tiêu biểu là các bản Nam ai, Nam bình, Quả phụ… Điệu Nam xuân với tính chất pha trộn giữa hai điệu Bắc và Nam, bâng khuâng, mơ hồ như bản Nam xuân. Ngoài 3 điệu chính trên, Ca Huế còn có một cách hát làm thay đổi tính chất các bài bản được gọi là hơi dựng.
Ngày hội giới thiệu Tủ sách Huế với 250 bản của Thư viện Tổng hợp tỉnh. Ngoài ra, hội sách còn có không gian trưng bày “Huế trong mắt em” với gần 30 bức tranh thiếu nhi đoạt giải trong cuộc thi do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức.
Nhằm khuyến khích tinh thần, tạo thói quen đọc sách cho người dân, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ mở cửa phòng đọc thiếu nhi và khởi động tuần lễ đọc sách miễn phí, nhằm nâng cao kỹ năng đọc sách cho mọi tầng lớp nhân dân, bồi dưỡng tình yêu đối với sách và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Đây cũng là hoạt động góp phần tôn vinh giá trị của sách, đọc giả và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 được tổ chức thực hiện từ tháng 3 đến hết tháng 4/2022; các hoạt động hưởng ứng trọng tâm được tổ chức từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 01/5/2022.