Triển khai “Tủ sách Huế” hình thành bộ quà tặng văn hóa

“Tủ sách Huế” đang được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai xây dựng hướng đến mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa nhân văn của vùng đất Cố đô…

Những ngày đầu năm mới, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt tay triển khai đề án “Tủ sách Huế”. Theo đó, quá trình thực hiện tủ sách, các thành viên hội đồng tuyển chọn sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể để chọn ấn phẩm, xây dựng quỹ phát triển tủ sách, xây dựng app Tủ sách Huế, nghiên cứu xây dựng tổ chức Tủ sách Huế trong cộng đồng và trường học. Song song với đó, sẽ cho ra mắt “Địa chí văn hoá Huế” và thiết kế logo nhận diện đặc trưng cho tủ sách. Tủ sách Huế còn hướng đến giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu về Thừa Thiên-Huế trên tất cả các lĩnh vực…

Ở Huế, ngoài hệ thống thư viện Nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là “kho báu” với nhiều đầu sách chuyên đề giá trị. Bên cạnh đó, nhiều ngôi chùa, tu viện trên địa bàn Huế cũng sở hữu nhiều kho sách quý chuyên về tôn giáo.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết, “Tủ sách Huế” ra đời cho thấy sự quan tâm và xa hơn là bảo tồn nhiều tủ sách, cuốn sách quý về Huế.

Đồng quan điểm, GS.TS Triết học Thái Kim Lan mong rằng không chỉ dừng lại đó, mà Huế có thể đi xa hơn bằng cách xây dựng một thành phố sách bởi Huế có những điều kiện thuận lợi với các tuyến đường đô thị cây xanh những công viên dọc theo bờ sông Hương đẹp, sang trọng, lý tưởng để tạo nên các không gian sách để thu hút du khách. Qua đó, không chỉ bảo tồn mà còn quảng bá, lan toả văn hoá đọc tới người dân.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, “Khi xây dựng “Tủ sách Huế”, chúng tôi hướng tới ba mục tiêu cụ thể: Giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng. Thứ hai, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. Và cuối cùng, xây dựng bộ quà tặng mang ý nghĩa nhân văn của người Huế dành cho du khách đến Huế”.

Ông Thọ cũng cho biết, tỉnh sẽ nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ bảo quản, lưu giữ và phát huy hiệu quả giá trị của “Tủ sách Huế” bằng cách số hoá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GỌI ĐIỆN NGAY 0234 6559666