Lễ công bố Đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế

Thừa Thiên Huế đã tổ chức công bố Đề án Tủ sách Huế nhằm phát triển nhanh nền tảng kinh tế tri thức và phát triển về văn hoá đọc, giới thiệu hình ảnh của Huế qua sách, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Huế trên tất cả các lĩnh vực.  

Sáng ngày 17/03/2021, tại Lầu Tàng Thơ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ Công bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên – Địa chí văn hóa Huế. Đến tham dự và phát biểu tại buổi lễ có ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh.

Lễ ra mắt Đề án Tủ sách Huế

Tủ sách Huế được hình thành với Logo nhận diện riêng, mang tính thương hiệu riêng của Huế. Không chỉ quảng bá văn hoá Huế mà đề án này còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện con người. Đồng thời, tôn vinh các tác giả, người đọc và những người tham gia sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc hình thành tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực…, phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi lễ

Bên cạnh đó, ông Phạn Ngọc Thọ cũng đã yêu cầu sau lễ công bố, các sở ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ phân công theo lộ trình đề án Tủ sách Huế giai đoạn 2020 – 2025 đã đề ra nhằm phát triển Tủ sách Huế một cách sâu rộng và chất lượng. Đề án này chính là bước khởi đầu để thực hiện mục tiêu ra mắt một sản phẩm văn hóa tri thức cho riêng Huế, một sản phẩm quà tặng độc đáo để giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế.

Tại buổi lễ công bố Đề án Tủ sách Huế, ấn phẩm đầu tiên cũng đã được ra mắt là Địa chí Văn hoá Huế. Đây là một công trình đồ sộ, quy mô, tập trung được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tri thức chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa. Đây cũng là tiền đề để hội đồng tuyển chọn có căn cứ chọn những quyển sách có chất lượng về Huế trên nhiều lĩnh vực để tái bản lại và xuất bản mới đưa vào Tủ sách Huế, hướng đến một năm có 3 đầu sách được đưa vào Tủ sách Huế.

Ấn phẩm đầu tiên được ra mắt – Địa chỉ Thừa Thiên Huế

Song song với việc tái bản, xuất bản các tác phẩm của Tủ sách Huế, để phù hợp với thời đại công nghệ, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện ứng dụng App Tủ sách Huế nhằm quản lý, giới thiệu nội dung các đầu sách trong Tủ sách Huế nhằm lan tỏa và phục vụ nhu cầu bạn đọc ở trong và ngoài nước.

“Tin tưởng rằng, tất cả chúng ta – những người yêu Huế, có trách nhiệm với Huế sẽ chung sức, chung lòng – toàn tâm, toàn ý, toàn trí, toàn lực thực hiện thành công Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế, vì một Huế phát triển và luôn luôn mới”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trong buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trao logo Tủ sách Huế cho đại diện quản lý Tủ sách Huế là Sở Thông tin và Truyền thông đồng thời tặng ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế cho các chủ thể quản lý và sử dụng ấn phẩm Tủ sách Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ trao logo Tủ sách Huế

Sau lễ công bố đã diễn ra chương trình tọa đàm “Định hướng phát triển Tủ sách Huế và giới thiệu địa chí văn hóa Huế”.

Buổi tọa đàm Tủ sách Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GỌI ĐIỆN NGAY 0234 6559666